Chi tiết
Ngành xi măng phát triển đúng định hướng
Nhiều năm liền, ngành xi măng đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (10 - 20% GDP). Bàn về tính liên thông giữa ngành công nghiệp “bánh mì” này với thực tiễn nhu cầu của đời sống xây dựng, các chuyên gia về thị trường VLXD đã tổng kết một cách ngắn gọn: “Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta liên tục thiếu xi măng, hàng năm phải nhập khẩu từ 3 - 4 triệu tấn. Chỉ đến tận cuối những năm 2010 trở lại đây, nguồn cung xi măng mới chính thức đáp ứng được thực cầu thị trường trong nước, thậm chí bắt đầu thực hiện xuất khẩu, qua đó mang lại nguồn ngoại tệ cần thiết để trả nợ đầu tư”.
Từ Quy hoạch ngành bài bản, DN xi măng cống hiến lợi ích to lớn cho xã hội
Từ những nét phác thảo cơ bản trên, không khó để nhận ra: Từ khi hệ thống khoa học về quy hoạch xi măng được thực hiện bài bản (mà bắt đầu từ việc thực hiện bản quy hoạch theo Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến bản quy hoạch mới nhất về Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), ngành xi măng Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng tiệm cận sát với thực tiễn đời sống xây dựng cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vượt qua những khó khăn với các dư chấn về các đợt “nóng - lạnh” bất thường từng xảy ra trong quá khứ, ngành xi măng đang dần dần đi đúng vào “quỹ đạo” vạch sẵn.
Có thể tổng kết một cách ngắn gọn về những thành tựu mang lại sau khi thực hiện bản quy hoạch ngành công nghiệp xi măng theo QĐ 108 như sau: Công nghệ sản xuất được đầu tư theo hướng hiện đại hơn, sản lượng mỗi ngày một cao hơn, đưa toàn ngành Xây dựng của cả nước chấm dứt hoàn toàn thời kỳ thiếu xi măng kéo dài cho dù tăng trưởng GDP của nền kinh tế thường xuyên duy trì ở mức cao. Mô hình DN xi măng tiếp tục phát triển trong đa dạng theo hướng giảm dần tỷ trọng của các DN nhà nước và thu hút đầu tư từ các DN tư nhân và đầu tư nước ngoài, giúp cho tính cạnh tranh giữa các DN xi măng mỗi ngày một phát triển theo hướng có lợi cho nền kinh tế và cho tiêu dùng xã hội, tạo ra tài sản cố định lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho trên 60 nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp, nộp ngân sách hàng năm hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, suốt 15 năm qua, xi măng cũng là một trong những mặt hàng phát huy tốt nhất vai trò bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ; bất chấp nhiều lúc toàn ngành đối mặt với bối cảnh hầu như tất cả các nguyên nhiên vật liệu đầu vào như than, xăng dầu, điện đều tăng giá quá cao so với giá xi măng; bất chấp tỷ giá biến động mạnh, lãi suất ngân hàng bị đẩy lên quá cao... Năm 2010, các DN xi măng bắt đầu hiện thực hóa mục tiêu xóa nhập siêu trong xi măng với chỉ số đạt được như sau: Xuất khẩu 1,2 triệu tấn sản phẩm, trong khi nhập khẩu 2 triệu tấn clinker. Năm 2011, xuất khẩu 5,5 triệu tấn sản phẩm (chủ yếu là clinker) và nhập khẩu 1,15 triệu tấn clinker.
Những quan điểm mới về QLNN đối với ngành công nghiệp xi măng
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, năm 2012 tăng trưởng GDP đạt ở mức 6,04% và sẽ tiếp tục cao hơn ở những năm tiếp theo. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã xây dựng một số tình huống biến động của nền kinh tế theo hướng tốt - trung bình - xấu, trên cơ sở đó tình huống xấu nhất thì GDP vẫn đạt mức 5,5% , tức cao hơn mức của rất nhiều nước đang phát triển. Đáng nói là, trong kết cấu tăng trưởng đó, vẫn cho thấy đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ quốc kế dân sinh như giao thông, thủy lợi, cũng như các công trình phát triển công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nếu như nhu cầu xi măng năm 2011 chỉ từ 54 - 55 triệu tấn thì năm 2015, con số này là 75 - 76 triệu tấn, năm 2020 là 93 - 95 triệu tấn, năm 2030 sẽ là 113 - 115 triệu tấn.
Trên cơ sở các dự báo mới nhất về biến động của kinh tế - xã hội nói chung, dự báo về nhu cầu tiêu thụ xi măng trong giai đoạn tới nói riêng, ngày 29/8/2011 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, bản Quy hoạch theo QĐ số 1488 này có nhiều quan điểm mới hơn, bám sát thực tiễn hơn về đầu tư phát triển các dự án sản xuất mới. Có thể tóm lược ra một số quan điểm mới như sau: Thứ nhất, hàng năm sẽ làm rõ cần bao nhiêu dự án sản xuất mới để đường cung bám sát với đường cầu, chỉ cao hơn khoảng 10% có tính đến dự trữ và khó khăn trong việc vận chuyển xi măng từ Bắc vào Nam trong thời tiết bất lợi, hoặc những tình huống bất trắc khác. Thứ hai, khi các địa phương cấp phép đầu tư dự án mới, vừa tuân thủ Quy hoạch, vừa phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng bằng văn bản. Thứ ba, hàng năm Bộ Xây dựng sẽ căn cứ vào thực tế diễn biến đột xuất về cung - cầu để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư mới phù hợp với giai đoạn tiếp theo. Thứ tư, không cho phép đầu tư đối với chủ đầu tư mà vốn tự có chưa đảm bảo tối thiểu 20% giá trị dự án. Thứ năm, khuyến khích hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn trên cơ sở các dây chuyền xi măng hiện có…
Những yếu kém và hệ lụy
Do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới và chính sách kiềm chế lạm phát thông qua siết chặt tiền tệ, giảm mạnh đầu tư công và tăng trưởng tín dụng ở trong nước đã dẫn đến sự trầm lắng của thị trường BĐS và các dự án hạ tầng nên sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2012 không tăng. Ước 6 tháng đầu năm cả nước tiêu thụ được khoảng 28 triệu tấn, đạt 50% kế hoạch năm và bằng 101% sản lượng tiêu thụ cùng kỳ năm 2011; riêng TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) tiêu thụ được 9,75 triệu tấn sản phẩm, đạt 51% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế 419 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch năm. Dự kiến tiêu thụ nội địa cả nước năm nay cũng chỉ quanh con số sản lượng năm 2011.
Mặc dù đó là con số không đạt được như kỳ vọng nhưng nếu đặt xi măng trong bức tranh tổng thể của ngành sản xuất VLXD nói chung thì thấy ngành công nghiệp xi măng chí ít cũng vẫn giữ vững “ngọn cờ đầu” về sản xuất kinh doanh thể hiện trên tất cả các chỉ số: Sản lượng tốt hơn, tồn kho giữ ở mức thấp nhất (đến nay ước chỉ tồn 2,8 triệu tấn, tương đương 20 ngày sản xuất). 2,8 triệu tấn là con số hoàn toàn nằm trong mức tồn kho an toàn cho phép. Đó là chưa kể, xi măng đang nỗ lực “tìm đường” vào các công trình dự án giao thông (đặc biệt là giao thông nông thôn) đang được ưu tiên phát triển trên phạm vi toàn quốc, hoặc các dự án sản xuất vật liệu xây không nung (đặc biệt là gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông nhẹ) với những hứa hẹn lớn về tiềm năng phát triển trong tương lai không xa. Đáng nói là, hiện có nhiều nhà máy không hề có tồn kho. Do đó có thể khẳng định nhờ quy hoạch chuẩn xác, quản lý quy hoạch nghiêm túc, ngành xi măng tuy gặp khó bởi bối cảnh chung nhưng đã hạn chế được phần nhiều những “biến chứng” ngoài dự kiến.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng nội bộ ngành xi măng vẫn tồn tại những biểu hiện khó khăn của một số DN xi măng đơn lẻ. Có thể kể đến những cái tên khá nhức nhối như xi măng Hạ Long, xi măng Đồng Bành, xi măng Quang Sơn... Bộ Xây dựng đã kiểm tra làm rõ nguyên nhân yếu kém và đi đến kết luận với từng dự án cụ thể. Ví dụ Nhà máy xi măng Đồng Bành thua lỗ là do tổ chức sản xuất không tốt; xi măng Hạ Long thì do bị kéo dài thời gian đầu tư nên dù sản xuất tốt, hàng tiêu thụ hết nhưng vẫn thiếu hụt dòng tiền… Mới đây, Bộ Xây dựng cũng thực thi những động thái quyết liệt như đình chỉ 3 dự án nghiền clinker ở phía Nam khi phát hiện không nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
Rõ ràng rằng, dù dự án được xây dựng đúng quy hoạch, có thị trường tốt nhưng tổ chức triển khai dự án không tốt, không cân đối giữa vốn tự có và vốn vay, tổ chức sản xuất không tốt, vốn chủ sở hữu quá thấp, thiếu sự đồng lòng quyết tâm vượt khó của những người quản lý, vận hành… dự án kể cả trong điều kiện sản xuất bình thường cũng nan giải chứ chưa nói tới bối cảnh chung vô cùng khó khăn của nền kinh tế trong thời điểm hiện nay. Thế nên tới đây, dứt khoát phải đẩy mạnh những biện pháp tăng cường quản lý theo các tiêu chí, kể cả việc tổ chức vận hành và kiểm soát dự án sau đầu tư để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tức thì những hệ lụy không đáng có. Đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhưng trước hết là bản thân các DN.
Những yếu tố cần thiết cho một nền công nghiệp xi măng mạnh khỏe
Bộ Xây dựng một mặt khuyến khích các DN xi măng nỗ lực thực thi các kế sách vượt khó như: Tăng cường quản lý đầu tư và không ngừng hợp lý hóa sản xuất, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa cơ khí xi măng, huy động đủ vốn điều lệ nhằm giảm áp lực trả lãi vay, triển khai hệ thống phát điện sử dụng nhiệt khí thải và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí tài chính, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cả về chất lượng và giá bán, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu… Một mặt khuyến cáo các DN phải cân nhắc hết sức thận trọng về các quy định đầu tư mới, đảm bảo đủ vốn và kiểm soát dòng tiền của mình, không để vì yếu kém đơn lẻ của một vài DN khiến xã hội nhìn nhận sai về hiệu quả chung của ngành, hoặc đổ lỗi do Quy hoạch ngành sai sót.
Đối với những dự án đang gặp khó khăn như Hạ Long, Đồng Bành, Quang Sơn… khuyến khích chuyển nhượng cổ phần cho DN khác có tiềm lực tài chính, hoặc tùy từng trường hợp, tuỳ từng dự án mua bán theo hình thức M&A (mua lại và sáp nhập) nhằm khai thác tối đa tiềm năng về thương hiệu, thị trường cũng như kinh nghiệm quản lý vận hành của các DN mạnh trong lĩnh vực.
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành rà soát danh mục các dự án xi măng trong các năm tới để trình Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo cân đối cung - cầu, phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư.
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ có chính sách, biện pháp để ổn định tỷ giá, giảm lãi suất cho vay, có lộ trình tăng giá than, điện hợp lý. Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương xây dựng chương trình sử dụng các sản phẩm xi măng trong các công trình giao thông nhằm giảm nhập khẩu nhựa đường, tiết kiệm ngoại tệ, tăng độ bền cho đường, đồng thời tăng sản lượng tiêu thụ cho các DN xi măng, đưa việc tăng trưởng của ngành xi măng vào đúng lộ trình phát triển đề ra tại “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.